Vì hàng tồn kho nhiều
Tại hệ thống Thế giới điện máy Media Mart, giá nhiều sản phẩm điện tử đã được công ty giảm mạnh từ 25 – 49%, để hưởng ứng tháng khuyến mại tại Hà Nội.
Tuy nhiên, giảm giá mạnh nhất lại chủ yếu là các sản phẩm đã “lỗi mốt”, như các dòng TV LCD với mức giảm trung bình từ 25 – 30%. Mức giảm “khủng” từ 30 – 49% được dành cho các loại máy giặt, điều hòa… nhưng thường là không có “tên tuổi” trên thị trường.
Tương tự, tại công ty máy tính Trần Anh, sản phẩm TV cũng được khuyến mại khá lớn, nhưng chủ yếu cũng là các dòng LCD đã ít được chuộng, như TV 32 inch thương hiệu Nhật Bản bán trong 3 ngày cuối tuần (từ 5 – 7/11) giảm 20% còn 5.990.000 đồng, TV Sony 32 inch BX300 giảm còn 7.990.000 đồng, tặng thêm giá treo cao cấp…
Trong khi, những dòng TV Full HD đang được ưa dùng hiện nay chỉ được giảm giá rất ít, như TV LG Full HD 32 inch tại Media Mart giảm có 450.000, TV LG Full HD 37 inch giảm 2 triệu từ 12,5 triệu đồng (theo giá của nhà cung cấp) xuống còn 10,5 triệu, Samsung Series 7 3D giảm 3 triệu đồng nhưng bằng cách tặng TV Samsung 21258…
Tại trung tâm siêu thị điện máy Pico Plaza, giá hầu hết các sản phẩm điện tử cũng được khuyến mại và giảm giá. Ông Nguyễn Quang Đức, Trưởng phòng marketing của Pico, cho hay, mặc dù tỷ giá tăng mạnh những ngày vừa qua, nhưng do lượng hàng điện tử, công nghệ đã được công ty nhập từ trước và chuẩn bị sẵn cho các tháng cuối năm, nên giá cả chưa bị tác động.
Còn theo ông Hồ Quốc Huệ, Giám đốc marketing của nhà phân phối CMC, việc các mặt hàng điện tử giảm giá trong khi giá USD tự do “leo thang” không có gì là khó hiểu. Bởi lẽ, các mặt hàng điện tử, điện lạnh chủ yếu là hàng tồn kho còn nhiều; hơn nữa các hãng điện tử cung cấp sản phẩm cho đại lý đều có công ty phân phối hoặc được sản xuất, gia công tại Việt Nam nên ít chịu tác động bởi tỷ giá.
Trên thực tế, với việc hầu hết những mặt hàng điện tử, công nghệ được giảm giá là hàng lỗi mốt, ít nhiều đã lạc hậu về công nghệ, tính năng sản phẩm, thậm chí không có thương hiệu, nên người tiêu dùng cũng không mấy quan tâm, lựa chọn.
Người tiêu dùng tại Media Mart
Từ tháng 3, giá hàng công nghệ có thể tăng mạnh
Trái ngược với hàng điện tử, điện lạnh, các sản phẩm công nghệ như máy tính xách tay, điện thoại di động với tần suất thời gian nhập hàng mới có tính liên tục và tức thời hơn, đã bắt đầu chịu tác động của việc giá USD leo thang. Bởi lẽ, hầu hết các công ty nhập hàng công nghệ tính theo giá USD tự do.
Trên thị trường, nhiều dòng sản phẩm điện thoại đang rục rịch tăng. Một số nhà phân phối, công ty và đại lý bán lẻ điện thoại còn cho biết, từ hơn một tuần nay, họ đã bắt đầu tăng giá bán.
Chẳng hạn, tại nhiều đại lý bán lẻ, giá các mẫu di động của Nokia tăng trung bình từ 3 – 5%. Như Nokia 1208 tăng từ 510.000 lên 580.000 đồng, 2700 tăng từ 1.540.000 lên 1.650.000 đồng, C6 tăng 190.000 đồng lên 5.920.000 đồng, E52 tăng 140.000 đồng…
Một đại diện của FPT – nhà phân phối các sản phẩm Nokia cho biết, mức tăng tỷ giá hiện nay sẽ buộc công ty phải tăng giá bán từ 3 – 5%. Ông này cũng cho hay, từ đầu năm đến nay, mức biến động của tỷ giá đã khiến lợi nhuận của công ty giảm khoảng 10 tỷ đồng so với dự toán ban đầu.
Theo ông Hồ Quốc Huệ, hiện CMC vẫn có hàng (đã nhập từ trước), chủ yếu là máy tính xách tay và các model điện thoại di động dòng Sony Ericson, đủ cho các đại lý đến hết tháng 11. Tuy nhiên, giá những sản phẩm mà CMC cũng như các công ty khác đặt nhập từ tháng 10 sẽ chịu ảnh hưởng mạnh từ đợt biến động tỷ giá này, và phản ánh mạnh nhất từ nửa cuối tháng 11 và tháng 12 trở đi.
“Khi đó, giá những sản phẩm nhập từ nửa cuối tháng 10 đến đầu tháng 11, sẽ tăng trung bình từ 7 – 10%”, ông Huệ cho hay. Theo ông Huệ, mức tăng này có thể tác động đến nhu cầu mua sắm trên thị trường, nhưng không nhiều, vì các sản phẩm công nghệ, điện tử hiện nay thường xuống giá rất nhanh.
Theo VnEconomy