dich vu sua dien lanh 365

Người thợ sửa xe đạp đã sáng chế ra chiếc máy giặt đầu tiên của Việt Nam

may-giatSáng chế ra máy giặt là một công nghệ phức tạp, không đơn giản chút nào, bởi mỗi chiếc máy giặt có hàng ngàn chi tiết máy cực kỳ nhỏ và tinh vi ở bên trong. Chính vì vậy, cho đến nay gần như 100% số máy giặt bày bán trên thị trường Việt Nam đều là hàng nhập khẩu nguyên chiếc, được lắp ráp từ nước ngoài.

Ấy thế mà có một người thợ chuyên sửa xe đạp, xe máy ở thị trấn Cổ Lễ (huyện Trực Ninh, Nam Định) đã làm ra 2 chiếc máy giặt và ông đang bắt tay vào làm chiếc thứ 3. Nguyên cớ để ông Nguyễn Quang Lự “sáng chế” ra máy giặt cũng chỉ vì muốn giải phóng đôi tay cho vợ và các con gái.

Làm máy giặt vì thương vợ con quá!”

Ông Lự là một người không lành lặn, chân bị dị tật nên đi đứng hơi khập khiễng. Trước ông làm thợ cơ khí ở Xí nghiệp cơ khí Vĩnh Long của huyện Nam Ninh cũ. Cái xí nghiệp cấp huyện này có dăm bảy người, cần mẫn gia công một số phụ tùng xe đạp như xích, líp, bi, nan hoa… lương lậu công nhân ba cọc ba đồng. Năm 1990 khi xí nghiệp giải thể, ông Lự chẳng có “vốn liếng” gì trong tay: chế độ hưu không, tay nghề cơ khí chỉ tương đương mấy anh lái máy kéo, máy cày bên trạm cơ khí nông nghiệp… Ông lao vào hành nghề sửa chữa xe máy, xe đạp lấy tiền nuôi vợ con, sống đoạn ngày.

“Tôi làm máy giặt cũng vì thương vợ con quá. Tôi còn nhớ hồi đó, những sáng mùa đông giá rét các cháu ngồi còng lưng vò những chậu quần áo đầy gió ngọn. Làm nghề sửa xe, quần áo của tôi đặc quánh dầu mỡ, các cháu giặt cực lắm. Thương vợ thương con tôi ứa nước mắt”. Nếu kinh tế khá giả thì ông Lự đã phi thẳng lên thành phố Nam Định mua một chiếc máy giặt hiệu Elextrolux bởi đầu những năm 1990, máy giặt cũng đã khá phổ biến ở đô thị.Cám cảnh nhà nghèo, lại sẵn “máu cơ khí” trong người, ông Lự mày mò sáng tạo máy giặt theo kiểu của mình. Thành thực mà nói, người Việt mình rất ham học hỏi, sáng chế, nói chung là không bó tay trước bất kỳ khó khăn nào, biết thích nghi với mọi hoàn cảnh

Thế mới biết khả năng sáng tạo của nông dân là không ngừng. Nhưng quả thật chuyện ông Lự “làm” máy giặt khiến nhiều người “choáng”, bởi máy giặt sử dụng công nghệ tự động hoàn toàn ở một trình độ cực kỳ cao. Khi cho quần áo vào máy, chỉ cần bấm nút là máy tự động làm việc theo một lập trình đã cài đặt sẵn, từ vò quần áo, lấy nước, quay quần áo, xả nước và cuối cùng là làm khô… Chiếc máy lúc đó làm việc như một người phụ nữ đảm đang, khéo léo. Phải mất cả trăm năm nghiên cứu với hàng ngàn bộ não điện tử, các hãng máy giặt nổi tiếng như Elextrolux, Toshiba… mới cho ra đời những chiếc máy giặt hoàn hảo như hiện nay, giải phóng cả triệu phụ nữ khỏi công việc giặt giũ vất vả, kéo dài hết ngày này sang ngày khác.

Những chiếc máy giặt “made in Việt Nam” ra đời

Mặc miệng thế gian, sau hơn 1 năm trầy trật đập đập, gõ gõ, lấy chỗ nọ vá, ghép vào chỗ kia, năm 2001, ông Lự cho ra đời chiếc máy giặt đầu tiên. Nhìn thô và cục mịch nhưng nó đã vận hành được các thao tác cơ bản như lấy nước, quay quần áo, xả… Cứ 20 – 25 phút máy đảo chiều 10 lần quần áo. Máy có hẹn giờ, mở cửa tự động. Nhưng máy vẫn chưa tự lập trình được quá trình làm việc, khi nó xong một thao tác nào đó ông Lự lại phải can thiệp, “nhắc nhở” để nó làm việc tiếp. Đặc biệt, nếu đang giặt bị mất điện thì máy quên hết các thao tác đã làm, lại giặt từ đầu. Thậm chí nó “quên” đến mức tai hại: Vừa cho quần áo vào chưa giặt giũ gì, máy đã xả nước ào ào…

Đến tháng 6/2002, một chiếc máy giặt tự động hoàn toàn mới được ông Lự hoàn thiện,
dĩ nhiên nó chưa hết khiếm khuyết. Đôi khi máy vẫn trở chứng. Đang chạy tự dưng nó tạm nghỉ; mất điện, mất nước khởi động lại máy vẫn bị quên chương trình; các bộ phận của máy chưa làm việc ăn ý với nhau, nhiều lúc “ông chẳng bà chuộc”, đá nhau tanh tác

Coi máy như con, ông Lự lại ân cần làm vai trò của một người bố, tìm hiểu, uốn nắn, sửa chữa, dạy dỗ đứa con trí tuệ mà ông mất mấy năm trời thai nghén. Ngồi nói chuyện với ông Lự, tôi thật kinh ngạc khi biết rằng cho đến hiện nay khi ông sắp hoàn thành chiếc máy giặt thứ 3 mà ông thợ sửa xe đạp này vẫn chưa hề tiếp xúc với một chiếc máy giặt của nước ngoài nào. Điều đó hoàn toàn loại trừ những lời đồn thổi, rằng ông Lự “phẫu thuật” chiếc máy giặt có sẵn rồi đảo đảo, xóc xóc, vá víu biến thành máy giặt của mình. Với thu nhập từ nghề sửa xe, ông Lự khó kiếm đủ tiền nuôi sống vợ con nói chi đến mua một chiếc máy giặt ngoại về rồi “đập” ra bắt chước theo.

Sau khi hoàn chỉnh chiếc máy giặt thứ nhất, năm 2003 ông Lự bắt tay vào làm chiếc thứ 2 với nhiều cải tiến về các chi tiết máy, tốc độ làm việc của máy, đặc biệt các bộ phận làm bằng sắt, tôn khiến máy cục mịch, nặng nề… cũng được thay thế dần. “Đứa con thứ hai” của ông Lự đã ưa nhìn hơn hẳn. Tuy nhiên, ông chưa hề có ý định kiếm tiền bằng nghề mới này. Chiếc thứ nhất gia đình ông để sử dụng, đã 5 năm nay “máy vẫn chạy tốt”, không hỏng hóc gì, vợ con ông Lự thoát cảnh ngày nào cũng hì hục giặt giũ. Chiếc thứ hai, ông cho một người bạn “dùng cho biết”, còn chiếc thứ ba hôm chúng tôi đến ông mới đang lên khuôn. Cái sau tiến bộ, hoàn thiện hơn cái trước. Khoang bụng của máy từ chỗ chỉ giặt được 4kg quần áo mỗi lần (cái đầu tiên) đã tăng lên 4,5 – 5kg (cái thứ ba). Ông Lự nói “Máy của tôi chỉ mất 20 – 25 phút hoàn thành một lần giặt, máy của nước ngoài mất 1 – 1,5 tiếng nên tiết kiệm tối đa điện năng. Về nước cũng thế, giặt càng lâu sẽ càng tốn nước. Đó là nguyên lý rồi”. Máy giặt của ông Lự có nguyên lý hoạt động là trục nằm ngang, chà xát trong khi máy giặt tiên tiến của nước ngoài có trục thẳng đứng, hoạt động theo độ văng ly tâm. Đây là “bảo bối” để máy ông Lự tiết kiệm cả điện lẫn nước.

Điều kỳ diệu sau 6 năm

Bạn bè giục mãi, đến mức phải thúc ép, năm 2003 ông Lự mới cơm đùm cơm nắm lên Hà Nội đăng ký bản quyền cho chiếc máy giặt của mình. Ông nghĩ đơn giản, máy giặt làm ra để dùng chứ bán chác cho ai mà phải đăng ký. Mấy ông ở Cục Sở hữu trí tuệ “choáng váng”, vì lần đầu tiên có một người Việt, lại là “anh Hai Lúa” mặt mũi đặc nhà quê, chân đi cà nhắc đăng ký bản quyền sáng chế máy giặt. Sau cả năm “ngâm cứu”, Cục không đủ lý lẽ bác đơn xin đăng ký của ông Lự vì rõ ràng từ trước đến nay ở Việt Nam đã có ai làm máy giặt bao giờ nhưng đồng ý cấp cho ông Lự thì nó kỳ kỳ thế nào ấy, nghe có gì không ổn. Cục cũng chưa rành về máy giặt, thế nhỡ có chi tiết máy nào ông Lự ăn cắp của nước ngoài thì sao, lỡ họ kiện lại thì chết sặc tiết. Suy đi tính lại, giải pháp chắc ăn nhất là Cục chỉ đồng ý cấp bằng giải pháp hữu ích, tức là dưới mức bằng sở hữu trí tuệ, như thế an toàn hơn. Ý Cục muốn tránh chuyện mấy ông nước ngoài đang độc quyền bán máy giặt tại Việt Nam, giờ thấy một ông Lự nào đó tung ra loại máy giặt “Made in Cole” (Cổ Lễ) thì họ sôi máu lên ngay, sẽ bới lông tìm vết mà kiện thì rầy rà to.

Ông Lự không chịu, liền tìm Công ty Phạm và liên doanh, rồi sau đó là Công ty Banca thuê họ viết lại hồ sơ đăng ký để đấu tranh bằng được với Cục đòi cấp bằng độc quyền sáng chế. Một người chỉ quen tay quai, tay búa giờ đây rơi vào chốn hỏa mù giấy má, văn bản, đôi khi ông Lự cũng thấy mệt và nản. Nhưng cuối cùng niềm vui cũng đã đến với ông một cách trọn vẹn. Đầu năm 2006, ông Lự đã chính thức nhận được “giấy khai sinh” cho cái máy giặt do mình tạo ra để lỡ ai kiện cáo thì ông đã có chứng cứ pháp lý chứng minh đó là chính chủ.

 

Bài viết liên quan
Website: Dich Vụ Sửa Điện Lạnh 365
Được quản lý bởi: CTY TNHH DV KT CƠ ĐIỆN LẠNH SỐ ĐỎ
Điện thoai: 028.6670.4444 or 028.2217.5555
GPĐKKD: 0311593828. Do Sở KH & ĐT TP.HCM Cấp ngày 03/03/2012