Tủ lạnh, vật dụng gia đình hết sức quen thuộc với người dân Việt Nam.Tuy nhiên trong quá trình sử dụng đã có ít nhất 2 gia đình có tủ lạnh phát nổ và điều này đã gây nên sự hoang mang trong trong tâm lý người tiêu dùng. Vậy nguyên nhân do đâu?
- Tủ lạnh trong gia đình nên cẩn trọng
- Bảo quản thuốc trong tủ lạnh
- An toàn sức khỏe khi sử dụng lò vi sóng đúng cách
Xét lại các vụ nổ đã xảy ra, hậu quả đều làm chủ nhà bị thương, tường nhà bị sập, hư hỏng nhiều đồ đạc bởi sức công phá của tủ lạnh bị nổ như một quả bom nhỏ. Diều đáng nói ở đây là những chiếc tủ lạnh này có nhãn hiệu khá nổi tiếng: Vụ nổ ở Lâm Đồng là tủ lạnh Hitachi, loại 120 lít, vụ nổ tủ lạnh ở TPHCM mang nhãn hiệu Samsung, 2 ngăn, màu xám.
Theo PGS.TS Hoàng Dương Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, chuyên gia điện lạnh nhận định: “Tủ lạnh bị nổ thường có nguyên nhân chính là áp suất hệ thống quá cao. Đầu tiên là tắc ống mao (đoạn ống có đường kính nhỏ nối giữa dàn ngưng tụ và dàn lạnh), thường do tắc bẩn hay tắc ẩm (khi phin lọc hỏng). Hoặc có thể do dàn ngưng bị bám bẩn nhiều nên khả năng làm mát kém dẫn đến áp suất cao. Ngoài ra, cũng có thể do máy nén trong tủ lạnh gia đình là loại kín, nên các cuộn dây điện có thể bị chập, chạm gây ra tia lửa điện và cháy dầu máy nén”.
PGS.TS Hoàng Dương Hùng cho biết thêm, nguyên nhân gây nổ tủ lạnh gia đình như trên thường chỉ xảy ra với những tủ lạnh đã quá cũ, hệ thống bảo vệ đã hỏng hoặc do đã sửa chữa (thay gas) nhiều lần, nên có cặn bẩn hoặc ẩm trong hệ thống. Cũng có thể do sửa chữa hàn xì nhiều lần, cặn bám trong đường ống, gây tắc ống mao nối từ phía sau dàn ngưng đến dàn bay hơi. Còn tủ lạnh mới thì rất khó xảy ra hiện tượng nổ.
Theo anh Trần Văn Minh, thợ sửa điện lạnh lâu năm trên phố Lý Nam Đế, Hà Nội thì nguyên nhân dẫn đến nổ bình gas tủ lạnh có thể do máy nén bị chập điện làm gas bắt lửa gây ra cháy hoặc nổ. Cũng có thể do điện áp tăng đột ngột, máy nén liên tục đưa hơi gas vào dàn nóng, làm tăng áp suất của gas, dẫn tới phát nổ.